Trong thời kỳ công nghiệp hóa, ta dường như quên mất rằng đôi tay con người luôn là công cụ lao động tuyệt vời. Qua bao thế hệ, nghề truyền thống được những bàn tay tài hoa của người thợ giữ gìn, trở thành nét đẹp văn hóa của con người Việt Nam.
Trải qua nhiều biến thiên cùng sự phát triển của xã hội, nhiều nghề truyền thống tưởng chừng đã mai một thì nay tồn tại bền bỉ giữa lòng Sài . Tại số nhà 562 Tô Ngọc Vân, Tam Binh, Thành phố Thủ Đức, anh Toản vẫn miệt mài tay búa, tay kìm, rèn sắt bằng chính đôi tay mình. Anh là người thợ còn sót lại của một thời nghề rèn từng phổ biến trên con phố ấy với những lò lửa không bao giờ tắt và tiếng búa cứ vang lên đều đặn từ sáng sớm đến chiều tà.
Giữa hỗn độn âm thanh của máy hàn, máy cắt dọc theo con phố nhỏ Lò Rèn, thì ở đây vẫn còn bễ lò rèn thủ công duy nhất còn đỏ lửa. Gương mặt ám đen bụi than, cánh tay lốm đốm vết bỏng, chiếc áo cũ loang lổ mồ hôi và dầu mỡ, anh Toản là hiện thân của một người thợ rèn từ thủa xa xôi còn duy trì nghề tổ. Vốn khá quen với những vị khách qua đây, thường dừng chân tham quan, chụp ảnh, anh Toản rất thoải mái khi vừa làm vừa chuyện trò với khách.
Nay những cửa hàng cửa hiệu khang trang bán đồ sắt, vật liệu xây dựng đã thay thế những xưởng rèn. Nhiều gia đình trên phố đã chuyển đổi nghề sang làm nghề hàn sắt, làm đồ sắt xây dựng như: Làm cầu thang, cửa cuốn, cửa sổ hoa sắt, làm đồ inox hay làm gia công cơ khí chính xác... Những công đoạn thủ công đã ít dần đi, sức người được thay thế bởi các máy phay, máy cắt, máy hàn hiện đại.
Nghề rèn truyền thống tưởng chừng như chỉ thấy ở chốn thôn quê hay trong dĩ vãng, vậy mà vẫn hiển hiện giữa phố thị đông đúc. Có lẽ bởi vậy, cái bễ lò rèn thủ công duy nhất của anh Toản luôn là tâm điểm của những người có nhu cầu về sự tỉ mỉ, tay nghề cao và chăm chút cho từng món đồ mà anh rèn
Trong khoảng không gian chật hẹp, giữa la liệt những vật dụng bằng sắt, nhưng anh Toản vẫn nói cười, chẳng ai nghĩ, nghề rèn anh đang làm công việc nặng nhọc đến vậy.
Hàng chục năm nay, người thợ rèn nhìn con phố của mình đổi thay. Những người đến rồi đi, nhiều cửa hàng mở ra rồi đóng lại... Hàng ngày, dòng người qua đây vẫn thấy ông miệt mài làm công việc của mình như chẳng để tâm tới sự đời.
Dù vẫn giữ những nét tinh túy của nghề rèn truyền thống nhưng anh Toản cũng tiếp thu cái mới để tăng năng suất cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm. Bằng sự năng động, sáng tạo, anh Toản vừa gìn giữ được nghề của ông cha vừa phát triển phục vụ cuộc sống.